Tôi hôm qua đã dám giữ lấy điều nhen nhóm trong mình bấy lâu nay. Tôi hôm nay, tuy còn bồng bột nông nổi, nhưng đã dám nói ra những gì tôi tin là có ý nghĩa.
Tròn hai tháng tôi thất nghiệp.
Những ngày dài rải “resume” tung tóe khắp nơi, khắp các trang web tuyển dụng, Facebook group, hoặc thông qua mọi mối quan hệ mà tôi có. Những “cover letter” sáo rỗng bịa tạc “chém gió” em muốn làm này, làm nọ, đam mê này, khao khát kia. Những cuộc phỏng vấn hoặc ngắn ngủi không thật lòng, hoặc dài lê thê màu mè một cách không cần thiết.
Tôi điên cuồng tìm việc, quay cuồng trong vòng xoáy ấy, để rồi lại thất vọng trong thế giới nặng mùi đồng tiền, chẳng thấy đường ra. Đây là một cơn lốc, không phải một đường hầm. Nếu là đường hầm, ít ra tôi còn hy vọng cuối hành trình tồn tại một lối ra ngập ánh sáng.
Tôi biết tôi không phải người duy nhất cảm thấy như vậy.
Dù bạn đang thất nghiệp như tôi, hay đã có một việc làm ổn định. Dù bạn đang lạc lối trong việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống này, hay đã tìm được nó rồi. Dù có thế nào, khủng hoảng một phần tư cuộc đời đã, đang và sẽ (thi thoảng, mong là vậy) tới thăm chúng ta.
Chúng ta – những người trẻ – luôn mồm nói là không thích và sợ cái ổn định, nơi mà mọi thứ ngã ngũ rõ ràng, không còn những câu hỏi như tôi là ai, tôi sinh ra trên đời để làm gì. Nhưng chúng ta còn sợ hơn nữa cái chông chênh của tuổi trẻ, nơi chúng ta lơ lửng giữa muôn vàn lối đi và luôn luôn tồn tại sự đánh đổi.
Sách hay khuyên đọc:
Mọi thứ đều có giá của nó. Và chúng ta luôn ước mình không phải đối mặt với tất cả những điều mơ hồ đáng sợ này.
Dù trong tay tôi không có số liệu cụ thể, tôi hình dung được phần lớn những người trẻ ngày nay chọn cách thứ nhất thay vì cách thứ hai, vì họ sợ phải đối mặt với cái chông chênh chết tiệt!
Họ giống tôi ngày hôm qua, thà nháo nhác tìm một công việc yên phận để nếu ai đó dò hỏi họ có thể yên tâm phát biểu về danh tiếng công ty hoặc mức lương hậu hĩnh, còn hơn xanh rờn một câu mà 90% bậc cha mẹ hoặc người lớn trong xã hội Việt Nam sẽ cười giễu hoặc không hiểu gì: “Tôi đang đi tìm Ikigai đời mình.”
Họ sợ phải đối mặt với sự bất ổn của cuộc đời, thà rằng gắn mình với một nghề nghiệp cụ thể, còn hơn theo đuổi cái mình thích nhưng bị xã hội không trọng vọng, không thừa nhận là một nghề. Họ bỏ cuộc ngay từ trong suy nghĩ, thà vậy còn hơn chịu nỗi thất bại ê chề và sự so sánh dè bỉu từ thiên hạ.
Họ sợ đi tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời, đơn giản vì họ sợ mình chẳng bao giờ tìm được. Họ nói họ muốn thành công, nhưng lại dè chừng thất bại. Thật là nghịch lý.
Nên vậy thôi, thà cứ kiếm một thứ ổn định, còn hơn cứ băn khoăn đi tìm hoài, tìm hoài. Họ chưa một lần dám thử sống vì mình, chưa một lần dám dũng cảm đi tìm mình. 12 năm phổ thông và 4 năm đại học của tôi đích xác là những điều này. Tôi đã sống cho kỳ vọng của bố mẹ, của xã hội, của lòng tham vật chất. Tôi quên bản thân, quên cuộc hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống mình: tôi là ai và tôi sinh ra trên đời để làm gì.
Sách hay khuyên đọc:
Một thời gian tôi hờ hững với cuộc đời, hoặc rằng thỏa hiệp phủ phục dưới chân nó. Đã từng muốn mau chóng kiếm được công việc lương cao để “đẹp mặt” dù cái công ty kia có đi ngược lại với giá trị đạo đức của tôi đến thế nào, chỉ vì một nỗi xấu hổ rất ư nông cạn: sinh viên Ngoại thương mà ra trường thất nghiệp.
Đã từng so sánh mình với người này người kia, rồi ghen tỵ hoặc chán nản hoặc tự ti. Đã từng cứ đâm đầu sống vì kỳ vọng của bố mẹ, thay vì dành thời gian nhìn sâu vào trong xem bản thân thực sự có gì, muốn làm gì cho cuộc đời này. Đã từng thờ ơ nằm dài lướt Facebook sống ảo thay vì xem thế giới đang biến động thế nào. Đã từng đọc báo mạng thay vì đọc một cuốn sách thực sự.
Con người sống mà không biết mình sống để làm gì.
Tôi biết đôi khi xàm xí một tí chẳng hại ai. Cuộc đời vẫn cần những thú tiêu khiển nho nhỏ thậm chí tầm thường; chúng ta đâu phải thánh. Nhưng mà, đừng để phần xàm xí ấy chiếm quá nhiều thời gian. Thế giới còn nhiều chuyện hệ trọng và ý nghĩa hơn. Chúng ta không phải thánh, nhưng chúng ta là con-người.
Nếu bạn xác định chỉ muốn phần con, tôi nghĩ chúng ta không hợp để tranh luận tiếp. Còn nếu bạn muốn phần người nhiều hơn, tôi khuyên bạn nên tạo thói quen để xàm xí thi thoảng mới đến thăm mình.
Viết xong tôi lại cảm thấy mình chẳng là ai để rao giảng cho các bạn ý nghĩa cuộc đời hay đâu là việc hệ trọng hay đâu là trách nhiệm của thế hệ trẻ. Nó to tát quá. Tôi chỉ muốn nói rằng dù mỗi chúng ta có thế giới quan và hệ giá trị và quan niệm đạo đức khác nhau, không có nghĩa rằng chúng ta không cảm nhận được những vấn đề chung nhất của toàn cầu ngày hôm nay, không có nghĩa chúng ta không có chung mong ước biến thế giới này thành một nơi đáng sống hơn.
Đúng – sai, thiện – ác có thể phụ thuộc từng người. Nhưng yêu thương luôn là ngôn ngữ chung mà tất cả đều hiểu, phải không?
Đó là khi mấy hôm nay mưa bão suốt, tôi lầm bầm nguyền rủa cái sự vướng víu và bẩn thỉu của Hà Nội những ngày mưa — để rồi khi nghe đài báo lũ lụt, sạt lở miền núi phía Bắc và miền Trung, tôi bỗng thấy nhoi nhói: sao mình may mắn quá, còn được ngồi đây gõ những dòng này. Đó là khi thấy máy đứa trẻ con được bố mẹ dắt đi ăn sáng, no đủ hồn nhiên vô tư lự — và đầu tôi lập tức hiện lên hình ảnh mấy em bé vùng cao chân đất giữa trời lạnh giá.
Đó là khi tôi ngày càng quan tâm đến các vấn đề xã hội hơn, và đồng thời cũng cảm thấy chỉ quan tâm thôi thì chưa đủ. Sau bữa cơm trưa, sau một giấc ngủ, có lẽ hình ảnh đồng bào chịu lũ hay các em bé miền núi cũng sớm trôi tuột khỏi não cá vàng của tôi thôi. Trừ phi tôi bắt tay vào làm một điều gì đó. Nhỏ thôi, nhưng tôi phải làm.
Sách hay khuyên đọc:
- Vì sao bạn vẫn nghèo? Đơn giản bởi cả thế giới đều tiến về phía trước còn bạn vẫn đứng im… chờ cơ hội
- 5 cuốn sách hay bạn nhất định cần tới khi vấp phải thất bại trên đường đời
Quay trở lại vấn đề (Mà vấn đề nói nãy giờ là gì ta?). Có phải phần lớn thế hệ trẻ ngày nay tầm thường và mất phương hướng đến vậy không? Thế giới này có thực sự đáng buồn và lạc lối đến vậy không? Có. Câu trả lời của tôi ngàn lần vẫn là có.
Nhưng. “Bao giờ cũng có một chữ ‘nhưng’.”
Mặc cho sự thật đáng buồn kia hàng ngày đang tiếp diễn, vẫn có một sự thật khác lạc quan, tươi vui và đáng yêu hơn rất nhiều. Và tôi nhìn vào đó để cố gắng, để phấn đấu. Ngoài kia vẫn còn nhiều người trẻ nhiệt huyết lắm, yêu đời lắm. Họ là những người thành công, không phải vì họ kiếm được nhiều tiền hơn bạn cùng trang lứa, mà là vì họ biết Ikigai của mình là gì. Họ hiểu bản thân, hiểu thế giới. Họ sống trọn vẹn, cống hiến từng ngày.
Tôi không nói rằng họ không hề thấy chông chênh và bất ổn nhé. Họ biết thế giới này bây giờ đã biến thành một nơi điên loạn. Con người tham lam vật chất, phá hủy thiên nhiên. Con người mất đoàn kết, gây chiến, thù hằn nhau, chỉ để bảo vệ những nhóm lợi ích riêng. Con người rời xa nhau, bằng những chiếc smartphone và thế giới ảo, bằng khoảng cách giàu nghèo ngày càng khổng lồ.
Nhưng thay vì chán chường, họ hành động. Ủ dột, tự ti hay chây lười không phải cách họ chọn để giải quyết vấn đề. Họ nhìn thấy đầy rẫy những bất công, những vấn đề; nhưng họ chọn tin vào những điều tốt đẹp, tin vào cái thiện sẽ thắng. Họ bất bình, đau lòng; nhưng đó là động lực để họ hành động chứ không chỉ ngồi một chỗ bức xúc.
Đừng ngại thử, đừng ngại mất. Nhưng hãy giữ tính kiên trì nữa. Ý của tôi là, bạn không cần dành cả tuổi trẻ để thử hết tất cả mọi công việc tồn tại trên đời này. Mà điều đó cũng là không thể nữa.
Nhưng nếu có một thứ gì đó nhen nhóm trong lòng bạn, hãy thử nắm bắt xem. Đừng bỏ lỡ, nhất là khi bạn linh cảm ánh sáng nhỏ nhoi kia có thể sẽ là một phần quan trọng trong cuộc hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc đời mình.
Tôi hôm qua đã dám giữ lấy điều nhen nhóm trong mình bấy lâu nay. Tôi hôm nay, tuy còn bồng bột nông nổi, nhưng đã dám nói ra những gì tôi tin là có ý nghĩa.