‘Con sẻ vàng’ kể chuyện tình yêu, con người và nghệ thuật
Tác phẩm của Donna Tartt mang đến suy nghiệm về những đau đớn, mất mát làm nên số phận một con người.
Con sẻ vàng của Donna Tartt mang đến cho độc giả một “bom tấn” của văn học đương đại. Tác phẩm của tiểu thuyết gia Mỹ vừa được dịch sang tiếng Việt. Hơn chín trăm trang sách dày đặc những trải nghiệm và đợt sóng cảm xúc, đưa độc giả vào hành trình đầy sóng gió của Theodor Decker (hay còn gọi là Theo), từ khi ở tuổi thiếu niên đến khi trưởng thành.
Cuộc đời của Theo gắn liền với bức họa Con sẻ vàng, như lời tâm sự của cậu: “Nhìn bức tranh tôi lại trải qua cảm giác vạn vật đang tụ về một điểm: một giây phút nắng chói thoáng qua, tồn tại chớp mắt và vĩnh viễn. Chỉ thi thoảng lắm tôi mới nhận ra sợi xích buộc chân chú chim, hay nhận ra cuộc đời thật tàn nhẫn đối với một sinh linh bé bỏng như thế…”.
Tuyệt phẩm Con sẻ vàng của danh họa người Hà Lan – Carel Fabritius (1622-1654) – trở thành “nhân vật trung tâm” của câu chuyện. Bức họa nằm ở Bảo tàng Metropolitan Museum of Art ở New York City.
Một vụ nổ lớn xảy ra khiến Theo mất mẹ. Giữa thảm kịch, ông già Welty – một người buôn đồ cổ lịch lãm – trong cơn hấp hối đã thúc giục Theo cứu lấy bức tranh. Từ đó, Theo cùng bức họa trải qua hành trình phiêu lưu đầy gian nan trong cuộc đời.
Chương mở đầu tiểu thuyết có nhịp điệu gấp gáp và không khí mờ mịt, mô tả chàng thanh niên Theo mắc kẹt trong một khách sạn ở Amsterdam, thủ đô Hà Lan, mất hộ chiếu, thường trực nỗi sợ hãi bị bắt, vì anh ta đã phạm tội hình sự. Kiệt quệ vì tuyệt vọng, bấn loạn và ma túy, Theo có ý định tự sát.
Sách hay khuyên đọc:
Ở chương tiếp theo, mạch truyện dần giãn ra trong âm hưởng của sự hồi tưởng, kể lại thời khắc buổi sáng cuối cùng cậu học trò Theo theo mẹ đến bảo tàng Metropolitan Museum of Art, cùng mẹ chiêm ngưỡng kiệt tác Con sẻ vàng.
Sau khi mẹ mất, người cha nghiện rượu bỏ đi từ lâu, Theo đến sống với nhà Barbours, gia đình của Andy – người bạn cùng lớp của cậu. Cuộc sống đưa đẩy cậu trở thành bạn vong niên của ông Hobie – bạn nghề của Welty quá cố.
Hobie chăm nom người cháu của Welty, cô bé xinh đẹp Pippa, người mà Theo đã phải lòng ngay khi thoáng gặp cô ở bảo tàng trước thời khắc bị đánh bom. Nhưng không bao lâu, Pippa được gửi về nhà họ hàng ở Texas. Khi nhà Barbours chuẩn bị nhận nuôi Theo, cha cậu bỗng dưng xuất hiện đòi quyền nuôi dưỡng con trai. Theo phải rời New York, đi Las Vegas sống với cha và Xandra bạn gái ông ta.
Vậy là cuộc lữ hành trần gian của Theo khởi sự. Chấn thương tinh thần sau cái chết của mẹ vẫn còn choáng váng tâm trí cậu và nhiều biến chuyển cay đắng đã khiến cậu cô độc, già dặn trước tuổi.
Ở Las Vegas, thế giới cờ bạc, Theo kết thân với Boris, bạn cùng lớp, một thiếu niên người Nga di cư cũng có người cha nghiện rượu, bạo hành. Boris vốn từng theo gia đình phiêu bạt qua nhiều xứ sở khác nhau, là một cá tính bụi đời mạnh mẽ, tinh quái, ngỗ ngược nhưng cũng rất tình cảm. Theo và Boris cùng nhau chơi trò đột nhập những nhà vắng chủ, cùng nhau trải nghiệm rượu và ma túy, cố tự xoa dịu nhau để quên đi cảnh bị bỏ mặc và cô độc.