Vụ bê bối lớn nhất lịch sử
Danh tính hàng chục lãnh đạo thế giới và nhân vật nổi tiếng toàn cầu xuất hiện trong các giao dịch ngầm ở nước ngoài được lưu lại trong Hồ sơ Panama.
Một nhóm các nhà báo đã khảo sát một kho đồ sộ gồm tới 11,5 triệu tài liệu thuế, được gọi chung bằng cái tên “Hồ sơ Panama”, và chia sẻ số tài liệu này với toàn thế giới.
Các tài liệu đó được lấy từ hãng luật Mossack Fonseca có trụ sở ở Panama. Chúng bao gồm các tài liệu có từ cách đây gần 40 năm, với các chi tiết về hơn 214.000 thực thể có mối liên hệ với công dân ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Các dữ liệu đã được nhật báo Đức Sueddeutsche Zeitung thu được từ một nguồn giấu tên.
Thành lập vào năm 1977, hãng luật này là nhà cung cấp các dịch vụ hải ngoại lớn thứ 4 thế giới – các dịch vụ này bao gồm việc thuê ngoài (thuê các công ty bên ngoài thực hiện một số chức năng thương mại trong một đất nước nào đó bên ngoài nước mà sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó thực sự được sản xuất).
Mossack về cơ bản giúp xây dựng các công ty vỏ bọc – được lập ra để che giấu quyền sở hữu tài sản. Hoạt động toàn cầu của hãng này diễn ra ở các “thiên đường thuế” như là Thụy Sĩ và quần đảo Virgin thuộc Anh.
Ông Ramon Fonseca, đồng sáng lập của hãng, là cố vấn cho Tổng thống Panama Juan Carlos Varela.
Sách hay khuyên đọc:
Khoảng 140 chính trị gia của hơn 50 nước cũng như các nhân vật nổi tiếng đã được nêu tên trong bộ hồ sơ mật này. Trong số họ có các nguyên thủ quốc gia, các trợ lý của các nguyên thủ, và các quan chức được bầu ra.
Ủy viên Ban Đạo đức FIFA Juan Pedro Damiani cũng bị phanh phui. Hãng luật của ông này khẳng định ông ta có quan hệ thương mại với 3 người đàn ông bị truy tố trong vụ scandal hối lộ FIFA.
Ngôi sao bóng đá Barcelona và Argentina Lionel Messi bị cáo buộc sở hữu một công ty bình phong cùng với cha mình.