Tại sao hỏi ai đó đang làm gì hoặc muốn gì với cuộc đời mình thường làm cuộc trò chuyện bị chùng xuống? Nhưng nói về phim ảnh, về ăn uống, du lịch… họ sẽ hào hứng và vui vẻ.
Dường như không ai muốn nói về tương lai, nghề nghiệp, hay việc học tập của mình. Thật kỳ lạ!
Cứ đi rồi sẽ đến! Sẽ đến! Nhưng vấn đề là đến đâu? Hay đơn giản, đến đâu cũng được? Dưới đây là 10 lý do tại sao không ai biết mình phải làm gì ở độ tuổi 2x.
1. Bạn đã không tận dụng những năm đại học.
Bạn thi vào trường A vì lúc đó nó đang “hot” và nhiều bạn bè cũng thi vào. Bạn thi trường B vì bố mẹ, người thân muốn bạn học trường đó. Bạn chọn ngành B vì thời trung học bạn giỏi môn đó. Cái tôi của bạn đâu rồi?
Từ đây, chính thức bắt đầu cho một chằng đường “khổ ải” với bạn. Bạn “lê xác” lên giảng đường ngồi gặm nhấm những môn học mình không hề hứng thú và cũng chẳng hiểu tại sao phải học môn đó nữa.
Bạn bắt đầu tức giận. Bạn trách móc vì không ai chỉ đường cho bạn, thậm chí họ còn đánh lừa bạn; rồi bạn quay sang chì chiết bản thân vì sự yếu đuối, hèn nhát và kém cỏi. Bạn vật vã giữa những luồng suy nghĩ, ngày này qua ngày khác, và cũng chẳng có sự thay đổi nào.
Có bao giờ bạn nhẩm tính, 4 năm đại học bạn tiêu tốn bao nhiêu tiền chưa?
Thử nhé: học phí mỗi năm khoảng 10 triệu; tiền thuê trọ, ăn uống, sinh hoạt mỗi tháng cũng phải 2 triệu, tính ra một năm khoảng 24 triệu. Vậy là 4 năm bạn tiêu tốn khoảng (24+10) x 4 = 136 triệu. Một con số không hề nhỏ với mặt bằng chung.
Sách khuyên đọc: Người Thông Minh Học Tập Như Thế Nào
Vậy, 4 năm đại học và tiêu tốn chừng đó tiền, bạn thực sự thu được điều gì? Một kỹ năng sử dụng facebook hoàn hảo? Thuộc làu làu những địa điểm ăn uống ngon – bổ – rẻ – lạ? Nắm lòng những địa điểm mua sắm đẹp – độc? Sở hữu một kho phim khổng lồ hay những nhân vật game “tầm cỡ”?
Dù bạn đang thế nào hãy đừng bao giờ để những điều đó xảy ra với bản thân, và nếu nó đang xảy ra hay chấm dứt ngay từ lúc này. Hãy chọn một chuyên ngành bạn muốn học.
2. Bạn không biết thưởng thức.
Bạn đang không hưởng thụ khoảnh khắc hiện tại, trong khi quá khứ đã đi qua và tương lai còn chưa đến. Khi bế tắc, tù túng ở hiện tại người ta tìm cách giải thoát bằng những mục tiêu, những kỳ vọng trong tương lai. Bạn mong đợi một sự việc nào đó trong tương lai sẽ làm bạn hạnh phúc.
Nhưng không! Cấp 3, bạn tự nhủ mình cố gắng thi đỗ đại học và đó sẽ là thiên đường, nơi bạn được xả hơi và thoả sức làm những điều mình thích; nhưng rồi lên đại học bạn thấy mọi thứ không như mình nghĩ, thậm chí còn theo chiều hướng tiêu cực.
Lại một lần nữa, bạn tự nhủ cố gắng học xong đại học rồi tìm một công việc, khi có một sự nghiệp mình sẽ thực sự tự do, cuộc sống sẽ đơn giản và thoải mải hơn rất nhiều. Và rồi một vòng luẩn quẩn, bạn cam chịu và phớt lờ hiện tại rồi mỏi mòn chờ đợi tương lai tốt đẹp hơn sẽ đến.
Sách khuyên đọc: 10 Quy Luật Cuộc Sống
Có một câu thế này: “Hạnh phúc không phải cuộc đời cho bạn cái gì mà cách bạn đón nhận những cái đó thế nào?”.
Đừng sống để hạnh phúc. Hãy hạnh phúc khi sống. Đừng đợi khi có thành quả rồi mới hạnh phúc, hãy hạnh phúc vì từng ngày bạn được nỗ lực, được làm việc, được đam mê để hướng tới những điều đó. Chính cuộc hành trình là điều hứng thú chứ không phải là đích đến cuối cùng. Thời gian đang trôi qua và bạn sẽ không lấy lại được nó.
3. Bố mẹ kiểm soát bạn quá mức cần thiết.
Có một điều mà chắc bố mẹ nào cũng giống nhau: cho dù bạn lớn thế nào thì trong mắt họ, bạn vẫn luôn là một đứa trẻ. Họ không muốn bạn mạo hiểm và thất bại. Họ không hứng thú hoặc kiên quyết từ chối những thử thách mà bạn muốn đương đầu.
Đôi khi, con đường gập ghềnh tốt hơn cho chúng ta, và chúng ta – những người trưởng thành có thể nhìn thấy điều đó và lớn hơn từ đó, nhưng bố mẹ chúng ta không thể nhìn cuộc sống của chúng ta giống như vậy vì họ không phải là chúng ta. Đây một phần là do thế hệ, một phần từ môi trường sống.
Cách đây 20 năm, người ta ăn để no, mặc để ấm. Giờ đây, người ta ăn để ngon, mặc để đẹp. Một thế hệ đi qua để lại nhiều giá trị và bài học quý báu, và nhờ một thế hệ đó xã hội đã phát triển một cách ngoạn mục.
Sách khuyên đọc: Tôi Muốn Cuộc Đời Như Tôi Muốn
Một lát cắt đời người tại độ tuổi 2x bây giờ và 20 năm trước quá khác xa nhau. Vì vậy, việc bạn tôn trọng những mong muốn và cách nhìn của bố mẹ không có nghĩa rằng vô thức bước đi một cách đau khổ trên con đường bố mẹ trải ra cho bạn. Nếu thực sự muốn làm gì đó, bạn cần kiểm soát cuộc đời của chính mình và thực hiện nó.
Không ai sống thay bạn, không ai chịu trách nhiệm cho cuộc đời của bạn, không ai cảm nhận rõ nhất bạn như thế nào, bạn thực sự muốn gì, cảm xúc của bạn ra sao ngoài bạn. Và, đó là cuộc đời duy nhất để bạn để sống.
4. Môi trường của bạn đang kéo bạn lại.
Nhìn lại xem, bạn bè xung quanh đang làm gì? Dành thời gian chơi game, xem phim, lướt facebook, mua sắm, ăn nhâu,… và làm những gì có thể để đem lại sự thỏa mãn tạm thời thay vì làm việc để tiến đến mục tiêu của họ. Và bạn làm gì trong môi trường như thế?
“Vui đi, tuổi trẻ không vui thì chờ về già chắc?”
Đúng, nên vui. Nhưng cần phải có chừng mực, nhất là ở độ tuổi này không phải lúc để bạn hưởng thụ, càng không phải lúc bạn đắm chìm vào trong những hoan lạc và quan trọng, có nhiều cách để làm cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc, bạn đã tìm ra chưa hay cũng chỉ mấy trò tầm thường.
Bạn có nhớ, tối thứ 4 tuần trước bạn ăn gì, chơi ở đâu, với ai không? Và liệu rằng bạn có nhớ ngày này tháng trước thế nào không? Nó có đọng lại gì trong bạn? Nó có mang giá trị gì cho bạn?
Sách khuyên đọc: Mặc Kệ Nó Làm Tới Đi
Ồ, nhất thời! Chỉ là nhất thời!Thời gian, tiền bạc, sức lực, trí tuệ của bạn đều có hạn, bạn ném hết vào những thứ “nhất thời” đó thì còn gì cho những thứ dài hạn, là tương lai của bạn nữa?
Bạn đang già đi đấy, điều đó không cần bàn cãi. Hôm qua đến hôm nay bạn không làm được gì đáng kể, nghĩa là bạn đã lãng phí 1 ngày của cuộc đời. Bạn có thấy tiếc không…
Thay vào đó, hãy tìm đến những người có phẩm chất bạn ngưỡng mộ, bạn đang hướng đến, những người thông minh hơn và có động lực hơn bạn. Hãy để những thành công của họ chạm đến trái tim và khối óc của bạn. Thay đổi môi trường của bạn, thay đổi bạn bè, và bạn thay đổi tất cả.
5. Bạn đã đi sai đường.
Hầu hết những người trẻ chịu thiệt do tầm nhìn hoàn toàn ngắn hạn. Họ nghĩ rằng họ có nhiều thời gian để có được cái họ muốn, nên họ chủ quan và thiếu những bước đi hợp lý ngay bây giờ.
Hãy dành thời gian tìm ra con đường cho bạn, một con đường đúng đắn.
Nếu đi chậm, bạn có thể tăng tốc để đi nhanh và bắt kịp hoặc vượt qua người khác. Nhưng nếu sai đường thì bạn có tăng tốc cũng chẳng bao giờ đến đích, vì bạn đã sai đường.
Sách khuyên đọc: Nghề Nào Cho Bạn Nghề Nào Cho Tôi
Không thể dễ dãi, nhất quyết không được dễ dãi việc tìm còn đường đi cho chính mình. Không thể nào vì đang bế tắc mà bạn vớ lấy bất cứ cái thang trước mắt rồi leo lên, chỉ vì có một cái thang để trước mặt bạn không có nghĩa đó là cái thang bạn cần leo lên. Hãy đi tìm cái thang định mệnh của bạn. Hãy tìm sứ mệnh của bạn.
Con đường đúng với bạn là con đường bạn cảm thấy hạnh phúc trên mỗi bước đi, là con đường bạn đi cả đời mà không thấy chán, khi hết ngày bạn lại mong nhanh sang ngày mới để tiếp tục bước đi trên con đường đó. Đó mới chính là con đường bạn cần!
6. Bạn ngừng học.
Thật sai lầm khi nghĩ rằng trường học là tất cả, và tốt nghiệp tức là bạn đã học hết mọi thứ mình cần. Sai lầm nữa khi mà bạn cho rằng tốt nghiệp là một “cột mốc vĩ đại” trong đời; nghĩ đơn giản, đó là lúc bạn nhận về tấm bằng chứng nhận bạn đã hoàn thành 4 năm đại học.
Có một sự thật: con người càng học càng thấy mình dốt. Dốt không có nghĩa là bạn dốt đi, mà bạn ý thức được biển tri thức, kỹ năng rộng lớn thế nào và kiến thức của mình thật bé nhỏ.
Dốt là khi bạn thấy mình cần phải học rất nhiều trong khi thời gian và sức lực có hạn; dốt là khi bạn thấy thế giới thay đổi quá nhanh, và bạn phải ra sức để bắt kịp những sự thay đổi đó.
Sách khuyên đọc: Bí Quyết Học Đâu Nhớ Đó
Thật nguy hiểm khi bạn không biết mình phải học cái gì, nguy hiểm hơn nếu bạn thấy mình chẳng phải học gì nữa!
Đầu tư cho bản thân là đầu tư khôn ngoan nhất. Vì, đó là tài sản duy nhất bạn có; là thứ trường tồn với bạn, không ai cướp đi hay làm vỡ bể như những thứ vật chật được. Đó là lý do tại sao những nhà triệu phú bị sạt nghiệp và chỉ cần một năm họ trở nên giàu có hơn trước đó. Tiền không làm họ giàu, mà là kiến thức.
7. Bạn làm những thứ giống nhau mỗi ngày.
Không ai tắm hai lần trên một dòng sông!
Hôm nay, với bạn không có gì thay đổi với hôm qua, và hôm kia nữa không có nghĩa rằng thế giới hôm nay vẫn giống hôm qua, hôm kia. Mọi thứ quanh bạn vẫn không ngừng thay đổi, không ngừng phát triển dù bạn có nhìn ra hay không, có chấp nhận hay không. Bạn không thay đổi, nghĩa là bạn đang lạc hậu, bạn không bước tiếp, nghĩa là bạn đang bị bỏ lại.
Sẽ không ai đưa tận tay cho bạn thứ gì, và sai lầm nếu nghĩ rằng bạn hiển nhiên xứng đáng nhận nó – và sau cùng, có nghĩa là bạn chưa làm được gì hết. Giờ đây, không thiếu những người 2x tuổi được giáo dục quá đầy đủ mà không có triển vọng nghề nghiệp thật sự, bối rối vì những gì đã xảy ra, và vẫn sống từ Ngân hàng Bố Mẹ.
Sách khuyên đọc: Ồ! Đây Chính Là Thứ Tôi Cần
Ít người hiểu rằng, thời gian là tài sản quý giá nhất trong cuộc sống, và chẳng ai quay ngược thời gian hay lấy lại thời gian đã mất được. Ngay cả những nhà tỉ phú cũng không mua được thêm thời gian, vì vậy đánh đổi thời gian chỉ để kiếm tiền thật là việc làm ngu xuẩn.
Nếu bạn muốn kết quả tốt hơn vào ngày mai, hãy làm những việc tốt hơn từ hôm nay. Nếu muốn một kết quả khác hơn vào ngày mai, hãy làm việc khác đi từ hôm nay. Sẽ không bao giờ là dễ dàng khi mạo hiểm với những thứ mới mẻ, nhưng nếu không làm thế mọi thứ bạn có vẫn như ngày hôm qua mà thôi.
8. Bạn sợ thất bại.
Lẽ ra, không nên trách bạn việc này; vì bạn chỉ là nạn nhân.
Nạn nhân của một quá trình giáo dục lệch lạc, nạn nhân của sự khắt khe và khó hiểu của cả nhà trường và gia đình, nạn nhân của một xã hội không chấp nhận cho sự thất bại.
Từ bé, bạn được “giáo dục” rằng cuộc sống không có chỗ cho thất bại. Bạn bị phạt vì điểm kém, bị mắng vì ham chơi, bị trách móc vì không đỗ đại học,…Từ bé, mỗi lần thất bại dù nhỏ nhất, đó đều là một cực hình với bạn. Không có sự tha thứ, không có sự khích lệ. Bạn sợ thất bại.
Lớn lên, nỗi sợ đó ăn sâu vào tiềm thức, len lỏi vào tư duy của mỗi người. Chỉ cần nghĩ đến thất bại thôi thì bao nhiêu động lực tiêu tan, bao nhiêu hi vọng vụt tắt.
Thất bại kinh khủng đến vậy sao? Đúng…nếu bạn nghĩ vậy!
Sách khuyên đọc: Không Bao Giờ Là Thất Bại – Tất Cả Là Thử Thách
Còn nếu không…đó chỉ là một lần bạn vấp ngã trên đường đi. Ai dám nói rằng không bao giờ thất bại, ai nói rằng trong thành công không hề có hình bóng của thất bại?
Thất bại, dù muốn hay không, nó vẫn hiện diện mọi nơi trong cuộc sống, nó hiện diện cả trong sự thành công. Vấn đề bạn nhìn nhận, chấp nhận và đối mắt để vượt qua nó ra sao.
9. Bạn đang không thúc đẩy bản thân.
Không ai biết mình làm gì ở độ tuổi 2x bởi rất ít người nhận ra rằng đơn giản là phải làm việc. Làm đi làm lại, làm thật nhiều lần. Thất bại hết lần này đến lượt khác, khóc lần này qua lần khác, đứng dậy từ chỗ vấp ngã và học từ những kinh nghiệm đó.
Một khi bạn đã bắt đầu, đừng dừng lại. Hãy sửa chữa những sai lầm thay vì bỏ cuộc. Có thể bạn đã cố gắng, nhưng khả năng là bạn chưa toàn tâm toàn ý cho việc đó trong một thời gian dài. Nếu tìm đúng là sứ mệnh của cuộc đời, bạn sẽ chẳng thể nào quăng nó sang một bên – động lực trong bạn sẽ mách bảo bạn bước tiếp.
Hãy lắng nghe đam mê. Không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng một lần nữa, không việc nào vĩ đại từng dễ dàng. Khi cuộc sống bắt đầu tệ đi, tiền dần cạn đi, và những tuyệt vọng bắt đầu chồng chất, đừng bỏ cuộc. Đó là dấu hiện cho sự tiến triển, le lói ánh sáng ở phía bên kia.
Sách khuyên đọc: Tạm Biệt Nhé Tính Lười Biếng
Quy luật 10.000 giờ vẫn luôn đúng. Bất kỳ bạn là ai, xuất phát điểm ra sao, bạn luôn cần 10.000 giờ để xuất sắc với một lĩnh vực nào đó. Vấn đề là bạn hoàn thành 10.000 giờ đó trong bao lâu? 3 năm, 5 năm, 10 năm hay không bao giờ?
Đừng ngồi lui lại trong một công việc thoải vì bạn đang không học hỏi mà chỉ là bám víu vào chút kiến thức bé nhỏ trong bạn. Bạn đang không thúc đẩy bản thân. Bạn đang không lớn lên. Nếu bạn muốn thấy thay đổi, bạn sẽ phải mạo hiểm, bỏ thời gian vào nó, và làm việc cật lực.
10. Bạn là một kẻ nghiện ngập.
Hãy thôi mất thời gian vào việc lấp đầy cuộc sống với những thứ mà các công ty quảng cáo tỷ đô bảo rằng bạn cần, họ đang dắt mũi bạn thôi. Thay vào đó, hãy gây dựng những ngày của bạn để đến được chỗ bạn muốn đến.
Bất cứ khi nào bạn ra quyết định về cuộc đời mình, hãy tự hỏi: “Điều này có làm tôi trở thành một người tự tin và tiến gần hơn tới mục đich của mình, hay nó sẽ làm tôi rời xa con người mà tôi lẽ ra trở thành?” Nếu những thói quen của bạn đang kìm hãm sự tiến bộ của bạn, hãy đào mồ và chôn chúng đi. Hãy tiến lên phía trước ngay.
Hãy tránh 10 cạm bẫy trên bằng hai cách:
Đầu tiên, hãy trung thực với bản thân bạn. Bạn thực sự muốn làm gì. Điều gì mà cả đời này giúp bạn hạnh phúc? Hãy dành thời gian để tìm sứ mệnh thực sự của bạn trong đời.
Ngồi một mình và vật lộn với câu hỏi này: Bạn mong muốn làm được điều gì trước khi bạn chết đi?
Sách khuyên đọc: Ba Người Thầy Vĩ Đại
Điều thứ hai là yêu quý sự thay đổi. Đừng sợ. Có thể, ban đầu bạn không thấy hoàn toàn thoải, nhưng đó là một phần của cuộc sống – đó là những cái đẩy nhẹ khiến chúng ta tốt hơn và mạnh hơn.
Đừng an phận với những thú vui rẻ rúng và sự thỏa mãn ngu ngốc mà hầu hết những bạn trẻ chấp nhận.
Không ngừng theo đuổi những ước mơ. Đây là cuộc sống và bạn chỉ có một lần để sống. Tiếp tục di chuyển. Tiếp tục hy vọng. Tiếp tục chiến đấu. Chiến thắng đang chờ bạn ở phía bên kia. Và cuối cùng, thế giới sẽ là một nơi tốt đẹp hơn nhờ có bạn.
Giờ thì bạn có việc cần làm rồi đó!
Theo ABG